Ngày 06/11/2015, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Cảnh sát tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả phòng chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia”.
Báo cáo đề dẫn trình bày tại Hội thảo nêu rõ: Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ 2 nước, lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam - Bộ Nội vụ Campuchia đã ký kết nhiều văn bản thỏa thuận, ghi nhớ; phối hợp trong công tác giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, phòng, chống tội phạm mua bán người. Lực lượng Công an đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Biên phòng, các ban ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức giao ban, thông qua đường dây nóng, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, nhằm kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vụ án, vụ việc về tội phạm mua bán người, truy bắt kịp thời đối tượng phạm tội, không để hình thành các tổ chức, các đường dây tội phạm. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức đã được triển khai rộng khắp, lồng ghép và gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, các cuộc vận động do Bộ, ngành và địa phương đề ra nên đã thu hút được nhiều người tham gia, nhân rộng nhiều mô hình phòng, chống tội phạm mua bán người hiệu quả, bền vững…
Tuy nhiên, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thời gian gần đây diễn biến phức tạp, xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đan xen giữa tội phạm mua bán người và di cư tự do, xuất cảnh trái phép.
|
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu đã làm rõ thêm về tình hình và các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa buôn bán người trên tuyến Việt Nam – Campuchia thời gian tới.
Được sự ủy quyền của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát phát biểu kết luận Hội thảo, khẳng định: Thời gian tới, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người sẽ diễn ra phức tạp, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia và quốc tế. Lực lượng Công an mà chủ công là Cảnh sát hình sự cần phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan; kịp thời thu thập tài liệu, chứng cứ, xác lập chuyên án đấu tranh, bóc gỡ các đường dây tội phạm mua bán người hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho toàn xã hội, nhất là đồng bào dân tộc; thông báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm, biểu dương người tốt, việc tốt, các mô hình hay, phát huy hiệu quả, tạo các điều kiện cho quần chúng nhân dân tích cực, chủ động phòng ngừa, không để tội phạm lợi dụng hoạt động…/.
Nhật Ý
Theo Cổng TTĐT BCA